Câu hỏi thường gặp

Thực hiện Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp và Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg ngày 26/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu đã khẩn trương phối hợp với Sở Tài chính và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (huyện Vĩnh Lợi, huyện Hòa Bình, huyện Đông Hải, thị xã Giá Rai và thành phố Bạc Liêu) triển khai thực hiện, đến nay đã đạt được một số kết quả như sau:

Công bố địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp: Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Quyết định số 337/QĐ-UBND ngày 03/12/2019 về việc công bố địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp, theo đó danh sách địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp gồm: Thành phố Bạc Liêu, thị xã Giá Rai và các huyện Hòa Bình, Vĩnh Lợi, Đông Hải với tổng số 23 xã, phường, thị trấn.

Thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp và Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu (theo Quyết định số 929/QĐ-UBND ngày 09/6/2020 của Ủy ban nhân tỉnh Bạc Liêu).

Thường trực BCĐ tỉnh đã thống nhất với 02 doanh nghiệp bảo hiểm về kế hoạch triển khai, đồng thời đôn đốc các huyện, thị xã, thành phố trong thực hiện các nội dung công việc theo Kế hoạch này, ngày 20/10/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 1785/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh sách đối tượng được hổ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Hiện tại, 2 Doanh nghiệp bảo hiểm đang phối hợp cùng các huyện, thị xã, thành phố được BCĐ tỉnh phân công phụ trách để thống nhất kế hoạch triển khai công tác tuyên truyền, tập huấn cho BCĐ cấp huyện, thị xã, thành phố, đại lý, hộ nông dân về chủ trương, quy tắc, điều khoản, biểu phí, …

Để tiếp tục phát huy hiệu quả thực tiễn, chính sách về bảo hiểm nông nghiệp đã dần được hoàn thiện, ngày 25/01/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 03/2021/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg ngày 26/6/2019 của Thủ tướng Chính Phủ về thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp. Theo đó, đối với cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của pháp luật về chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021 – 2024 được hỗ trợ 90% phí bảo hiểm nông nghiệp. Bên cạnh đó, thời gian thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm được gia hạn đến hết ngày 31/12/2021. Việc triển khai tiếp bảo hiểm nông nghiệp nhằm khuyến khích doanh nghiệp triển khai, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại về tài chính khi xảy ra rủi ro./.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ đăng ký, cấp mã số đối tượng nuôi chủ lực cho các tổ chức, cá nhân nuôi tôm nước lợ (tôm sú, tôm thẻ chân trắng), thời gian qua Chi cục Thủy sản đã chủ động phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc Sở triển khai nhiều giải pháp thực hiện nhiệm vụ cấp mã số cơ sở nuôi. Vừa qua, từ ngày 05/4 – 8/4/2023, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tổ chức các lớp tập huấn “Xác định dấu vết cacbon trong hoạt động nuôi tôm và chế biến tôm tại tỉnh Bạc Liêu” và kết hợp triển khai hướng dẫn, đăng ký cấp mã số cơ sở nuôi cho các hộ nông dân, hợp tác xã nuôi tôm trên địa bàn xã Vĩnh Hậu (Hòa Bình), xã Vĩnh Lộc (Hồng Dân).

Mã số vùng trồng (mã số đơn vị sản xuất – Production Unit Code (PUC)) là mã số định danh cho một vùng trồng nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát sinh vật gây hại, truy xuất nguồn gốc nông sản. Mã số vùng trồng được cấp cho vùng trồng nông sản có sự kết hợp các ký tự và mã số như sau: Mã quốc gia; mã tỉnh, thành phố; mã quận, huyện; mã xã, phường và số thứ tự theo danh sách mã do Cục Bảo vệ thực vật phê duyệt và cấp. Mã số vùng trồng là điều kiện bắt buộc cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu, việc cấp mã số vùng trồng nhằm mục đích:

– Truy xuất nguồn gốc sản phẩm dễ: Cung cấp thông tin giúp người tiêu dùng biết được sản phẩm họ đang sử dụng được sản xuất ở đâu, ai sản xuất, … Đảm bảo nông sản đưa vào quá trình lưu thông trên thị trường phải đúng nguồn gốc tại vùng trồng đó. Tránh tình trạng trà trộn sản phẩm nơi khác vào vùng trồng đã được cấp mã số.

– Kiểm soát quy trình sản xuất bằng sổ tay ghi chép, giám sát vùng trồng (trồng loại cây gì, diện tích bao nhiêu, sản lượng, tuổi cây, giai đoạn sinh trưởng, mùa vụ thu hoạch, các loại thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng trên vùng trồng, …), kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất vùng trồng.

– Kiểm soát chất lượng sản phẩm tạo ra đúng yêu cầu và tiêu chuẩn chất lượng của nhà phân phối. Tiêu chuẩn chất lượng phải được kiểm nghiệm và xác nhận ở giai đoạn trước khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Nếu sản phẩm không đạt, nhà phân phối và nhà sản xuất, trên nền tảng của truy xuất nguồn gốc, sẽ biết lỗi xảy ra ở khâu nào để chịu trách nhiệm và điều chỉnh.

Hướng dẫn về thiết lập vùng trồng theo Tiêu chuẩn cơ sở TCCS 774:2020/BVTV, cụ thể như sau:

* Yêu cầu về diện tích vùng trồng:

– Đối với cây ăn quả: Tối thiểu 10 ha.

– Đối với rau gia vị: Tùy theo diện tích thực tế của nhà lưới/ nhà kính và yêu cầu của nước nhập khẩu.

– Cây trồng khác: Tuân theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

– Trong trường hợp nước nhập khẩu yêu cầu có vùng đệm hoặc các yêu cầu khác về diện tích thì thực hiện theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

* Yêu cầu về sinh vật gây hại và biện pháp quản lý:
– Quản lý sinh vật gây hại theo yêu cầu kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu. Trong trường hợp phát hiện đối tượng kiểm dịch thực vật phải có biện pháp quản lý để đáp ứng yêu cầu về kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu.

– Có biện pháp quản lý cụ thể cho từng nhóm sinh vật gây hại theo hàng hóa và phải thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

* Yêu cầu về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong vùng trồng
– Vùng trồng chỉ được sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam và đảm bảo không sử dụng các hoạt chất cấm theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

– Tuân thủ quy định về sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc bốn (04) đúng, theo hướng dẫn của nhà sản xuất và thời gian cách ly để đảm bảo dư lượng không vượt ngưỡng cho phép của nước nhập khẩu.

* Có sổ tay ghi chép:

– Nhật ký canh tác ghi chép chi tiết các hoạt động tác động lên cây trồng trong 01 vụ canh tác.

– Nhật ký canh tác cần được ghi chép sau mỗi lần chăm sóc hoặc tác động lên cây trồng và trong cả quá trình sản xuất. Các thông tin bắt buộc phải ghi chép bao gồm:

+ Giai đoạn phát triển của cây trồng.

+ Sinh vật gây hại phát hiện trong quá trình điều tra.

+ Nhật ký bón phân: Ngày bón, loại phân bón, tổng lượng phân bón, phương pháp bón.

+ Nhật ký sử dụng thuốc BVTV: Ngày xử lý, tên thương mại, tên hoạt chất, lý do sử dụng, liều lượng.

+ Ghi chép thông tin liên quan đến thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm: Sản lượng dự kiến, sản lượng thực tế.

+ Các hoạt động khác (nếu có).

* Yêu cầu về điều kiện canh tác

Áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) trong trồng trọt đặc biệt chú ý vệ sinh đồng ruộng, thu dọn tàn dư thực vật bị nhiễm sinh vật gây hại; đảm bảo việc thu gom bao bì thuốc BVTV và phân bón theo quy định.

Kiểm tra đánh giá vùng trồng (Quy trình cấp mã số vùng trồng) theo Tiêu chuẩn cơ sở TCCS 774:2020/BVTV được thực hiện như sau:
– Tổ chức, cá nhân gửi tờ khai kỹ thuật đề nghị cấp mã số vùng trồng và các thông tin cần thiết (theo mẫu của Cục Bảo vệ thực vật) về Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh.

– Kiểm tra đánh giá: Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đi kiểm tra thực địa (khảo sát thực địa và lấy mẫu kiểm tra thành phần sinh vật gây hại (trong trường hợp chưa xác định được sinh vật gây hại cụ thể tại thời điểm kiểm tra) để xác định mức độ đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn cơ sở cấp mã số vùng trồng.

– Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh gửi báo cáo kiểm tra vùng trồng (đính kèm biên bản kiểm tra thực địa) về Cục Bảo vệ thực vật đề nghị cấp mã số vùng trồng nếu đạt yêu cầu của tiêu chuẩn cơ sở về cấp mã số vùng trồng hoặc hướng dẫn khắc phục những yêu cầu chưa được và tiến hành kiểm tra lại.

– Cục Bảo vệ thực vật sẽ rà soát, cấp mã số vùng trồng đạt yêu cầu và gửi thông tin mã số cho nước nhập khẩu. Sau khi nước nhập khẩu phê duyệt, Cục Bảo vệ thực vật sẽ thông báo và gửi mã số cho Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh quản lý và giám sát vùng trồng được cấp mã số.

Hiện nay, tỉnh Bạc Liêu đang xây dựng kế hoạch chương trình cấp mã số vùng trồng cho các loại nông sản chủ lực của địa phương như: Lúa, cây ăn trái, rau màu để ưu tiên làm hồ sơ xin cấp mã số vùng trồng cho các mặt hàng nông sản này. Hiện nay, Việt Nam đang mở cửa hội nhập kinh tế thế giới, thị trường ngày càng mở rộng thì sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhiều hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu trên thế giới đặt ra, vì vậy việc sản xuất theo chuỗi kiểm soát chất lượng nông sản từ khâu sản xuất đến tiêu thụ cần áp dụng đồng bộ để kiểm soát nguồn gốc thực phẩm. Tiêu chuẩn cơ sở về Quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng được Cục Bảo Vệ thực vật ban hành theo Quyết định số 2481/QĐ-BVTV-KH ngày 30/11/2020 về việc ban hành tiêu chuẩn cơ sở đợt 5 năm 2020 còn khá mới mẻ, vì vậy tỉnh Bạc Liêu đang khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân đăng ký cấp mã số vùng trồng. Việc xây dựng mã số vùng trồng không chỉ là “tấm vé thông hành” để xuất khẩu mà còn gắn với trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất nông sản phải bảo đảm an toàn thực phẩm, vì vậy cần có sự chung tay vào cuộc của Nhà nước, nhà phân phối, nhà sản xuất./.