Nông nghiệp công nghệ cao là một nền nông nghiệp ứng dụng hợp lý những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đổi mới khoa học công nghệ được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm. Ứng dụng khoa học công nghệ giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp bằng các ưu việt của các công nghệ như: Công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, internet… giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Mặt khác, nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.
Trong thời gian qua, sản xuất nông nghiệp tỉnh ta đã có chuyển biến đáng kể về ứng dụng công nghệ cao trong một số lĩnh vực, đã tạo ra những tiến bộ đáng khích lệ về năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi hơn để mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, ở nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương trong tỉnh, việc xây dựng các mô hình sản xuất công nghệ cao trong nông nghiệp còn nhiều lúng túng, bất cập và thiếu tính thực tiễn, dẫn đến tình trạng thiếu hiệu quả, lãng phí và không bền vững. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên có lẽ là những hạn chế về nhận thức và khả năng xác định những yếu tố công nghệ cao phù hợp với một nền nông nghiệp, sản xuất còn mang nặng tính nhỏ lẻ, tự phát và hạn chế về năng lực đầu tư tài chính. Để xác định và thống nhất việc phát triển ứng dụng công nghệ cao cho một số lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trong điều kiện cụ thể của tỉnh nhà, cần có những giải pháp như sau:
Thứ nhất, nông nghiệp công nghệ cao là cơ sở để sử dụng hợp lý nguồn lực đất đai. Để phát triển ngành nông nghiệp, mục tiêu là tăng về sản lượng và chất lượng của nông sản, để làm được điều đó, đất đai đóng vai trò rất quan trọng. Bởi năng suất và sản lượng cây trồng phụ thuộc rất nhiều vào số lượng và chất lượng đất đai. Đồng thời cần xác định rõ thế nào là công nghệ cao trong nông nghiệp? Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, được coi là các lĩnh vực công nghệ cao được Đảng và nhà nước ta xác định ưu tiên phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. đây là các lĩnh vực công nghệ có hàm lượng chất xám cao, có thể tạo ra những đột phá trong lĩnh vực kinh tế kỹ thuật khác và sự bùng nổ về khoa học công nghệ nói chung phục vụ đời sống con người nói riêng.
Thứ hai, nông nghiệp công nghiệp cao cho phép gắn hiệu quả kinh tế với bảo vệ môi trường. Đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao là tăng thêm các yếu tố đầu vào trên một đơn vị diện tích để tăng sản lượng. Tuy nhiên trên cùng đơn vị diện tích, mức tăng thêm đầu vào phải hợp lý để mức tăng thêm về sản phẩm hay giá trị sản phẩm nhanh hơn, từ đó mới có hiệu quả kinh tế. Kết quả cuối cùng để xem xét hiệu quả của nông nghiệp công nghệ cao là giá trị sản phẩm thu được có lớn hơn giá đầu vào và chi phí đầu tư thêm. Đôi khi, có tăng thêm sản phẩm, nhưng giá lại không tăng hoặc giảm, nông nghiệp công nghệ cao đó không hiệu quả. Do đó, tiến hành nông nghiệp công nghệ cao không phải là quá trình đầu tư thêm bằng mọi giá, mà phải tính toán và đặc biệt phải gắn liền với điều kiện thị trường về đầu vào và đầu ra một cách cụ thể để nâng cao hiệu quả kinh tế, một qui trình sản xuất có thể mang trong nó nhiều yếu tố công nghệ cao ở từng công đoạn, nhưng chưa thể là qui trình công nghệ cao nếu chưa đồng bộ trong suốt chuổi cung ứng. điều này có thể thấy rõ trong các qui trình sản xuất khá phổ biến hiện nay trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta. Các yếu tố công nghệ cao có thể là giống mới có tiềm năng năng suất cao, chất lương tốt, công nghệ nhà kính, kỹ thuật tưới tiêu mới, phân bón sinh học hữu cơ cho hiệu quả cao, biện pháp phòng trừ sâu bệnh mới hiệu quả cao và an toàn, công nghệ xử lý bảo quản sau thu hoạch hiện đại. Tuy nhiên lại không được liên kết lại thành một chuỗi mà tách rời thành từng phần từng công đoạn.
Thứ ba, cần khẳng định công nghệ cao là công nghệ cho ra các sản phẩm có chất lượng cao với qui mô sản xuất lớn và hiệu quả kinh tế cao. Chất lượng theo nghĩa rộng là một chỉ tiêu phức hợp và được đánh giá theo suốt chuỗi cung ứng. Lấy mặt hàng hóa làm ví dụ, giá trị của một mặt hàng hóa thường được gia tăng đáng kể nhờ cách mà nó được tiếp thị, cách đóng gói, bao bì, phong cách, kiểu dáng trình bầy và sự thuận tiện trong phương thức đặt hàng, giao hang.v.v.. Chất lượng bao gồm: chất lượng kỹ thuật, chất lượng chức năng, chất lượng dịch vụ. Sự đồng bộ về trình độ công nghệ trong mỗi công đoạn của chuỗi cung ứng có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của mỗi yếu tố công nghệ và của toàn bộ qui trình công nghệ. Trong nhiều ngành hàng nông sản của tỉnh ta còn thiếu vắng tính đồng bộ này. Vì vậy, sản phẩm thiếu sức cạnh tranh.
*Giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là rất cần thiết đối với tỉnh nhà. Tuy nhiên, để có thể ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, cần có các điều kiện tiên quyết như: khả năng tài chính, khả năng tiếp thu và ứng dụng, trình độ KH&CN và cơ chế chính sách… Bạc Liêu có nền nông nghiệp còn lạc hậu, quy mô nhỏ, đất đai manh mún, khả năng tài chính hạn chế. Chính vì vậy, quá trình đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao sẽ gặp nhiều khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt để giải quyết. Cụ thể:
Một là, hoàn thiện chính sách và các hoạt động quản lý vĩ mô đối với nông nghiệp. Nông nghiệp công nghệ cao là vấn đề phức tạp đòi hỏi phải không ngừng hoàn thiện chính sách, cải tiến công tác lãnh đạo và chỉ đạo trong quá trình thực hiện. Trước hết là cán bộ trực tiếp lãnh đạo, phải không ngừng nâng cao trình độ KH&CN và quản lý kinh tế, nhạy bén giải quyết tốt các vấn đề mới nảy sinh trong nông nghiệp và trong quá trình thực hiện nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, cán bộ lãnh đạo phải không ngừng nâng cao phương pháp công tác và tinh thần trách nhiệm đối với công việc trên cơ sở đó mới giải quyết đúng đắn các mối quan hệ trong công tác lãnh đạo sản xuất, lãnh đạo và chỉ đạo nông nghiệp công nghệ cao. Từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến phát triển nông nghiệp và hiện nay cũng rất quan tâm đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đây là những tín hiệu rất tốt, tuy nhiên, thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiên các chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao như chính sách đất đai, tín dụng, thuế… và đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Hai là, nghiên cứu và học tập kinh nghiệm về nông nghiệp công nghệ cao của các tỉnh, thành phố phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã nhận được những thành quả to lớn trong việc tăng nhanh năng suất, sản lượng và tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, đảm bảo an ninh lương thực, an toàn vệ sinh thực phẩm và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Ba là, áp dụng những thành tựu của công nghệ cao. Việc áp dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông nghiệp là điều kiện có tính chất quyết định để nâng cao hiệu quả của nông nghiệp công nghệ cao. Từ thực tiễn sản xuất nông nghiệp trong nhiều năm qua cho thấy, muốn nông nghiệp công nghệ cao có hiệu quả cần tập trung đầu tư vào các yếu tố công nghệ chủ yếu như nâng cao chất lượng giống phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng; đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch tiết kiệm và có hiệu quả; sử dụng tốt vấn đề phân bón, phòng trừ sâu bệnh, dịch bệnh có kiểm soát và hiệu quả
* Cuối cùng, ứng dụng cơ giới hóa và tự động hóa trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Cơ giới hóa và tự động hóa là phương pháp sản xuất hiện đại mà tất cả các ngành, các lĩnh vực đều phải đầu tư mua sắm, trang bị để nâng cao năng suất và hiệu quả. Vì vậy, các cơ sở sản xuất kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao tất yếu phải áp dụng cơ giới hóa và tự động hóa nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả của nông nghiệp. Phải xây dựng, hình thành quy trình sản xuất cho từng loại cây trồng và gia súc phù hợp với điều kiện tự nhiên và kinh tế cụ thể từng địa phương nhằm phát huy tối đa tác dụng của những yếu tố tự nhiên và cơ sở vật chất sẵn có để nâng cao năng suất và hiệu quả của nông nghiệp công nghệ cao
Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tình hình mới theo hình thức đào tạo, đào tạo lại đội ngủ cán bộ làm công tác khuyến nông khi có chủ trương; phối hợp các nhà khoa học, các viện trường, các doanh nghiệp tổ chức các hội nghị, diễn đàn, hội thảo khoa học về công nghệ sinh học tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật mới áp dụng vào sản xuất phù hợp điều kiện thực tại của địa phương và phù hợp với xu hướng tất yếu của thị trường./.