Mô hình tôm – lúa là một trong những mô hình hiệu quả, mang tính bền vững được nông dân vùng phía Bắc Quốc lộ 1A tỉnh Bạc Liêu thực hiện phổ biến. Tuy nhiên, kinh nghiệm trong sản xuất của người dân chưa nhiều, chủ yếu vẫn canh tác theo tập quán cũ như: Chưa quan tâm tới chất lượng tôm giống, thả tôm nhiều lần trong vụ nuôi và thả thẳng không ương (gièo); chưa tuân thủ lịch thời vụ ngành chuyên môn khuyến cáo, một bộ phận nông dân chưa am hiểu các thông tin kỹ thuật mới, … nên hiệu quả kinh tế trung bình của mô hình này nhiều năm qua còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế.
Ông Võ Văn Trương, ấp Tà Suôl, xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân là một trong những nông dân áp dụng ương gièo tôm sú trước khi thả ra ruộng nuôi đem lại hiệu quả cao.
Năm 2021, từ dự án Khuyến nông Trung ương đầu tư hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi tôm sú theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Sau khi được tập huấn kỹ thuật nuôi tôm theo mô hình như: Sử dụng tôm sú giống gia hóa, ương gièo tôm giống từ 15 – 20 ngày trước khi thả ra ruộng nuôi, sử dụng vi sinh định kỳ để ổn định môi trường nuôi, … Ông Võ Văn Trương tiến hành thu hoạch tôm Sú sau thời gian nuôi 3 tháng, trọng lượng trung bình đạt 25 con/kg, giá bán 180.000 đồng/kg, lợi nhuận 60 triệu đồng/ha.
Theo ông Võ Văn Trương, những năm trước thả tôm giống trực tiếp ra ruộng nuôi mà không qua ương gièo, thả tôm nhiều đợt, nguồn gốc giống không rõ nên dễ bị thất trắng. Từ khi thả tôm giống chất lượng, áp dụng ương gièo thì hiệu quả rất rõ, tôm phát triển nhanh, mau lớn, đặc biệt tôm sú ương gièo trước sẽ hạn chế được hao hụt, nâng cao tỉ lệ sống; kết hợp với vi sinh, khoáng bổ sung, tôm thu hoạch có chất lượng cao hơn (thân tôm sạch, màu sáng), bán được giá cao hơn.
Từ thành công của vụ nuôi, ông Võ Văn Trương sẽ tiếp tục áp dụng theo quy trình của mô hình và tuyên truyền, nhân rộng đến những hộ nuôi xung quanh để hạn chế rủi ro, nâng cao hiệu quả trong sản xuất tôm – lúa./.