Mô hình Cánh đồng lớn gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm lúa gạo

Sản xuất theo chuỗi giá trị là hướng đi tất yếu trong canh tác nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực lúa gạo. Trong thời gian qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cấp và các ngành có liên quan tăng cường xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn với bao tiêu lúa gạo trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, bước đầu đã mang lại những kết quả nhất định.

Tuy nhiên, đến nay một số nông dân chưa tiếp cận với phương thức sản xuất mới, vẫn còn “chạy” theo năng suất. Không ít nông dân gieo sạ nhiều loại giống lúa trong một vụ để “đón đầu” thị trường, sử dụng giống lúa không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm định, gieo sạ quá dày, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, không tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”, sử dụng nguồn nước lãng phí, chưa áp dụng biện pháp giảm tỷ lệ thất thoát trong và sau thu hoạch, … Hậu quả là hệ sinh thái đồng ruộng có chiều hướng suy thoái, mất cân bằng, dẫn đến sản xuất thiếu tính an toàn và không bền vững.

Năm 2021, tỉnh Bạc Liêu xây dựng mới 30 cánh đồng lớn với diện tích canh tác (DTCT) 6.350 ha, nâng tổng số lên 68 cánh đồng lớn với DTCT 25.935 ha, diện tích gieo trồng (DTGT) 66.689 ha. Toàn tỉnh thực hiện liên kết bao tiêu lúa gạo 76.146 ha, sản lượng đạt 504.646 tấn. Nhìn chung, việc liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa gạo trong thời gian qua còn chậm mở rộng và chưa thực sự bền vững do nhiều nguyên nhân khách quan khác nhau như: Biến động giá cả thị trường; hợp đồng liên kết dễ bị phá vỡ hoặc do từ phía doanh nghiệp hoặc từ phía nông dân (chưa có chế tài xử lý nghiêm khi vi phạm hợp đồng liên kết. Nội dung hợp đồng bao tiêu sản phẩm là hợp đồng có tính hướng dẫn, không phải là hợp đồng kinh tế nên tính pháp lý không cao, do đó các bên dễ vi phạm hợp đồng khi giá lúa gạo biến động); năng lực hoạt động của Hợp tác xã, Tổ hợp tác, doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế và thụ động, còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, … Từ những vấn đề nêu trên, việc tiếp tục xây dựng “Cánh đồng lớn gắn với liên kết bao tiêu lúa gạo” là rất cần thiết nhằm mục tiêu tạo vùng nguyên liệu bền vững, không ngừng mở rộng diện tích sản xuất lúa được bao tiêu sản phẩm.

Năm 2022, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Hòa Bình và huyện Vĩnh Lợi triển khai 10 mô hình Cánh đồng lớn gắn với liên kết bao tiêu lúa gạo, quy mô thực hiện 400 ha với 226 nông dân tham gia. Nông dân tham gia mô hình được tập huấn lý thuyết kết hợp với thực hành thực tế ngoài đồng ruộng xoay quanh các nội dung như: Vai trò của liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa gạo; phân tích hệ sinh thái ruộng lúa, sinh lý cây lúa và quản lý dinh dưỡng qua các giai đoạn sinh trưởng; quản lý dịch tổng hợp; vai trò và cách sử dụng phân bón hữu cơ trong tác lúa; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả, … Qua các buổi tập huấn chuyển giao kỹ thuật giúp nông dân nhận thức rõ hơn về vai trò của canh tác lúa an toàn, đồng thời tích cực áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trên lúa để đạt hiệu quả cao.

Song song với hoạt động tập huấn, mô hình trình diễn cũng được triển khai từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2022. Tham gia mô hình, nông dân được Nhà nước hỗ trợ 50% lúa giống, phân bón hữu cơ và một số loại thuốc bảo vệ thực vật; còn lại 50% lúa giống và các vật tư khác do nông dân đối ứng.

Sau hơn 03 tháng triển khai thực hiện, mô hình Cánh đồng lớn mang lại kết quả như sau: Tổng chi phí bình quân 21.498.488 đồng/ha, giảm 2.271.106 đồng/ha so với ruộng bên ngoài mô hình; năng suất (lúa tươi) đạt6,2 tấn/ha, tăng 150 kg/ha; giá thành sản xuất 3.493 đồng/kg lúa tươi, giảm 421 đồng/kg lúa tươi; tổng thu bình quân 42.241.181 đồng/ha, tăng 565.860 đồng/ha; lợi nhuận 20.742.693 đồng/ha, tăng 2.836.966 đồng/ha. Tính trên cánh đồng 400 ha của mô hình, lợi nhuận tăng thêm cho nông dân tham gia trên 1,13 tỷ đồng. Các giống lúa được liên kết sản xuất và bao tiêu chủ lực trong các mô hình là giống chất lượng cao, thơm (Nàng Hoa 9, Đài Thơm 8, OM 18, ST 25).

Nhìn chung, các mô hình đã ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, giúp tăng giá trị gia tăng trong sản xuất lúa; hình thành được mô hình liên kết sản xuất với tiêu thụ, giảm thiểu rủi ro và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất; góp phần tăng số lượng cánh đồng lớn và diện tích liên kết bao tiêu lúa gạo toàn tỉnh đạt 100.000 ha theo kế hoạch đề ra trong năm 2022./.

TIN MỚI

Chính sách quyền riêng tư

Ứng dụng Nông nghiệp xanh Bạc Liêu Chính sách về quyền riêng tư Ứng dụng Nông nghiệp xanh Bạc Liêu tôn trọng quyền riêng tư của